Sỏi thận là bệnh thường gặp của đường tiết niệu. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng. Nếu sỏi thận không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây biến chứng thận ứ nước, nhiễm khuẫn .. dẫn đến tổn thương thận không thể hồi phục.

3/1/19

Những điều cần biết về sỏi thận

Không có nhận xét nào :
Sỏi thận rất thường gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 10% trong dân số. Bệnh sinh ra khi nồng độ một số chất xuất hiện quá nhiều trong nước tiểu so với bình thường, tạo thành những tinh thể, thành phần chính tạo sỏi. Sỏi canxi kết hợp với oxalat hoặc phosphat là loại sỏi phổ biến nhất. Ngoài ra còn có thể gặp các loại sỏi khác như: sỏi axit uric, struvite (sỏi nhiễm trùng), cystine và một số loại sỏi hiếm gặp khác.

Yếu tố nguy cơ

Có nhiều yếu tố liên quan đến sự tạo thành sỏi niệu nhưng yếu tố đóng góp chủ yếu là tình trạng thiếu nước. Nước tiểu bị cô đặc làm gia tăng sự hình thành các tinh thể từ những chất tạo sỏi. Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử gia đình bị sỏi, chế độ ăn, rối loạn đường ruột, béo phì và nghề nghiệp. Chế độ ăn có chất đạm, muối hoặc thức ăn giàu oxalate (lá xanh, các hạt, trà và socola) làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Một số bệnh đường ruột như bệnh viêm ruột, rối loạn hấp thu, tiêu chảy mạn tính và phẫu thuật nối tắc qua dạ dày.
Khi sỏi phát triển có thể gây cản trở dòng nước tiều hoặc khi sỏi di chuyển xuống làm tắc niệu quản. Trong một số trường hợp, sỏi thận là chổ vi trùng trú ẩn gây nhiễm khuẫn niệu tái phát.

Triệu chứng

Sỏi thận thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, sỏi cũng có thể gây đau khi di chuyển xuống niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) gây tắc ngẽn. Triệu chứng thường gặp nhất là đau vùng hông lưng. Đau từ sau lưng lan ra vùng bụng trước dưới sườn và xuống háng. Cơn đau nhiều có thể gây buồn nôn, ói và người bệnh không thể tìm được tư thế giảm đau. Bệnh nhân có thể tiểu máu (có hồng cầu trong nước tiểu) hoặc tiểu đau. Sỏi gây tắc ngẽn và đi kèm với sốt là tình huống cấp cứu cần phải được điều trị sớm.

Chẩn đoán

Chẩn đoán sỏi thận rất đơn giản. Bệnh sử ghi nhận có cơn đau quặn thận vùng hông lưng, không có yếu tố thúc đẩy đặc biệt. Thường có máu trong nước tiểu. Chẩn đoán xác định dựa trên hình ảnh học đường tiết niệu. X quang cắt lớp vi tính (CT Scan) không cản quang là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất. Siêu âm thận có thể dùng để xác định tắc ngẽn và cũng có thể phát hiện sỏi. Xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng và chức năng hai thận.

Điều trị

Hầu hết sỏi thận kích thước dưới 5 mm có thể tiểu ra theo đường tự nhiên. Kích thước sỏi được xác định bằng hình ảnh học. Khi sỏi kẹt niệu quản, người bệnh sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc để giúp tống xuất sỏi, tránh phải can thiệp phẫu thuật. Nếu sỏi lớn hoặc không thể tự ra được sau một thời gian điều trị bằng thuốc thì phải phẫu thuật. Dựa trên nhiều yếu tố, một trong các phương pháp phẫu thuật sau có thể được lựa chọn để điều trị sỏi như:
Tán sỏi ngoài cơ thể: dùng sóng xung động tập trung để phá vỡ sỏi. Những mảnh sỏi vỡ sẽ di chuyển theo đường tiểu ra ngoài cơ thể.
Tán sỏi nội soi ngược dòng với laser: dùng một ống soi niệu quản cứng hay mềm soi đường tiểu từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản và bể thận để tán sỏi với laser
Lấy sỏi thận qua da: tạo một đường vào thận qua một vết cắt nhỏ trên da vùng lưng. Qua đó, một soi thận được đưa vào trong thận để tán sỏi và lấy sỏi ra ngoài.
Mổ mở khi các biện pháp điều trị trên thất bại, có bất thường giải phẫu học của thận hoặc khi có nhiễm khuẫn niệu

Tự chăm sóc

Nếu người bệnh bị sỏi thận nhỏ, có khả năng ra được thì khuyên họ uống nhiều nước. Vài loại thuốc có thể giúp tống xuất sỏi. Thuốc giảm đau nên được cho uống sớm trước khi cơn đau trở nên nghiêm trọng bởi vì cơn đau có thể xảy ra vài lần cho đến khi sỏi được tống xuất ra ngoài. Nếu bệnh nhân không thể ăn uống được do nôn ói thì cần cho người bệnh nhập viện để được theo dõi và điều trị. Trong một số trường hợp cấp cứu, người bệnh được đặt vào cơ thể một ống thông niệu quản hoặc ống dẫn lưu thận tạm thời để giải phóng tắc nghẽn. Trong tình huống này, sỏi có thể chưa được điều trị cùng lúc.
Dựa vào yếu tố nguy cơ, thành phần sỏi, và một số xét nghiệm cần thiết khác, người bệnh có thể được cho uống một vài loại thuốc để giảm sự tạo sỏi trong tương lai. Tất cả bệnh nhân sỏi niệu nên uống nhiều nước để duy trì lượng nước tiểu từ 2 lít trở lên mỗi ngày. Người bệnh nên hạn chế lượng muối, thịt động vật và thức ăn giàu oxalat trong khẩu phần ăn, tiêu thụ một lượng trung bình canxi. Không cấm canxi, ngay cả người bệnh bị sỏi có thành phần cơ bàn canxi trừ khi bác sĩ khuyên điều này vì có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi.

BS Nguyễn Tân Cương

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét